13:35 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 366

Máy chủ tìm kiếm : 80

Khách viếng thăm : 286


Hôm nayHôm nay : 38157

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2870247

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34206668

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

‘Những người lính không về từ chiến trường đẫm máu, hóa đàn sếu trắng bay cao’

Tác giả: - Thứ hai - 27/07/2015 10:21
‘Những người lính không về từ chiến trường đẫm máu, hóa đàn sếu trắng bay cao’

‘Những người lính không về từ chiến trường đẫm máu, hóa đàn sếu trắng bay cao’

Nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh truyền từ đời này qua đời khác và chưa biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.

Câu chuyện xúc động của một nhà báo về hành trình tìm mộ bác anh – người lính hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi ở miền Đông Nam Bộ. Qua câu chuyện của anh, ta có thể hình dung rõ hơn về nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh truyền từ đời này qua đời khác và chưa biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. 

Khi còn sống, ông bà nội tôi lúc nào cũng đau đáu một điều: làm sao tìm được mộ bác tôi hy sinh sau một năm đi B. Ngoài cái giấy báo tử ghi chung chung là hy sinh ở chiến trường miền Nam, suốt mấy chục năm gia đình tôi chẳng có thêm thông tin gì về bác.

So với hai em là bố và chú, bác tôi vất vả nhất. Nhà nghèo, lại thời chiến, học hết lớp 3, bác phải bỏ học đi chăn trâu, cắt cỏ, cáng đáng mọi việc đồng áng với ông bà tôi. Mười lăm tuổi, bác đã được gọi vào làm công nhân vận tải thuộc đoàn vận tải đường sông bằng thuyền nan từ Hải Phòng vào Thanh Hóa. 

Được hơn một năm thì bác được về nhà để chuẩn bị đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Mười bảy tuổi, bác nhập ngũ. Ở cái tuổi này bây giờ, tôi hình dung đến nhiều bạn trẻ học lớp 11 được trang bị những thiết bị, những thứ đồ chơi công nghệ tối tân, xe đời mới, được người lớn lo cho đi du học, lo đến cả chỗ chơi và lo nốt cho cả tương lai.

Chú tôi vẫn nhớ rõ những hình ảnh ngày bác lên đường nhập ngũ. Sáng hôm ấy trời lạnh sắt se, ông và bố tôi phải đi làm đồng sớm vì đương vụ cày cấy. Ở nhà chỉ còn ba mẹ con. Bác tôi khoác chiếc ba lô một bên vai, chào mẹ rồi bươn bả lên địa điểm tập kết ở ủy ban xã. 

Bà tôi không dám tiễn con, vừa giã gạo ở đầu hồi nhà vừa khóc. Chú tôi biết anh đi xa cũng lao theo khóc giữ bác lại. Bác tôi xoa đầu em, dúi vào tay chú tôi chục đồng xu có lỗ thỉnh thoảng bác vẫn đánh đáo lúc rảnh rỗi rồi đi như chạy về phía ủy ban xã… Bác đi vào nơi bom đạn sinh tử mà chẳng có người thân tiễn đưa. Đi rồi mãi mãi bác không về nữa...

Sau khi nhận được giấy báo tử của bác không lâu, bố tôi và chú tôi lần lượt đi bộ đội. Sau giải phóng, bố tôi đã nhờ những người bạn chiến đấu tìm manh mối nơi bác tôi nằm lại. Hễ cứ có ai mách địa chỉ là ông lại tìm đến để hỏi thăm, nhưng nơi bác tôi nằm lại vẫn cứ bặt vô âm tín.
‘Những người lính không về từ chiến trường đẫm máu, hóa đàn sếu trắng bay cao’
Biết tìm bác ở đâu trong bao nhiêu ngôi mộ liệt sỹ vô danh kia?
Bà tôi, rồi ông tôi lần lượt qua đời. Ước nguyện lớn nhất đời của ông bà là tìm được hài cốt của con đưa về quê hương đất tổ đã không thành. Nỗi đau của ông bà tôi truyền đến đời con rồi truyền tiếp đến đời cháu, là chúng tôi.

Chú em tôi công tác bên ngành dầu khí đã xin nghỉ một thời gian cất công đi tìm bác. Chú em tôi đã đến hầu hết các nghĩa trang ở miền Đông Nam Bộ, hỏi thăm cặn kẽ từng người quản trang, nhưng đến đâu cũng chỉ gặp những cái lắc đầu và những lời động viên cảm thông. 

Cho đến một ngày giữa năm ngoái, chú em tôi đến nơi tại Bình Phước mà ông Lê Đức Thọ: Nghe chim tu hú gọi/Rừng Lộc Ninh sáng rồi/Suốt đêm qua không ngủ/Nằm đếm tiếng mưa rơi… (Bài thơ ‘Mưa rơi’ - tác giả Lê Đức Thọ viết trong thời điểm chuẩn bị chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử) và thấy tên bác tôi cùng địa chỉ quê quán trên tấm bia trong Nhà tưởng niệm các liệt sĩ quân y, dân y và thương, bệnh binh miền Đông Nam Bộ.

Từ manh mối của người quản lý nhà bia, chú em tôi tìm đến một cán bộ từng công tác ở bệnh viện dã chiến K50 của ta ở giáp giới với Campuchia. Ông y sỹ cho biết số hài cốt các liệt sỹ hy sinh tại bệnh viện này, trong đó có bác tôi, đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ Tân Biên, Tây Ninh. Tuy nhiên, gần 50 bộ hài cốt liệt sỹ không xác định được danh tính. Bác tôi nằm trong số 50 liệt sỹ ấy.

Dịp 27/7 năm nay là lần đầu tiên bố và chú tôi được đến nơi bác nằm lại. Chúng tôi đặt hoa và thắp nhang lên gần 50 ngôi mộ liệt sỹ vô danh. Biết tìm bác ở đâu trong số gần 50 ngôi mộ liệt sỹ không xác định được danh tính này? Bao giờ mới tìm thấy bác? Dẫu vậy, niềm an ủi lớn nhất là chúng tôi đã tìm thấy nơi bác yên nghỉ. Ước mơ lớn nhất của ông bà tôi đã phần nào được thực hiện.

Với tôi, bác luôn trẻ mãi ở tuổi mười tám đẹp nhất của cuộc đời. Bác, cũng giống như những chàng trai hy sinh khi tuổi vừa mười tám đôi mươi đang nằm bên cạnh bác đến giờ vẫn chưa xác định được danh tính kia sẽ bất tử như “những người lính trẻ không trở về từ chiến trường đẫm máu” mà “hóa thành đàn sếu trắng bay cao” trong bài thơ bất hủ về người lính “Đàn sếu” của Rasun Gamzatov.

Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ
Từ chiến trường xưa đẫm máu không về
Không phải họ nằm yên trong đất mẹ
Mà hóa thành sếu trắng giữa trời kia.
 
Sếu vẫn bay như thế tự ngày xưa
Bay đến bây giờ, và cất tiếng gọi.
Có phải thế mà ta thường buồn bã
Rồi lặng im, ngó vào giữa trời xa?
 
Và hôm nay đây, trong buổi chiều tà
Tôi nhìn thấy trong màn sương đàn sếu
Sải cánh bay theo đội hình chiến đấu
Như ngày nào giàn trận giữa đồng xa.

Nguồn tin: vtc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất