18:23 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 119


Hôm nayHôm nay : 39578

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2821086

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34157507

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển

Quang cao giua trang
top

KHI NGƯỜI NÔNG DÂN NỔI GIẬN

Tác giả: Tiểu Linh Bảo - Thứ năm - 21/05/2015 10:48
KHI NGƯỜI NÔNG DÂN NỔI GIẬN

KHI NGƯỜI NÔNG DÂN NỔI GIẬN


Bão giông dưới mặt nước phẳng lặng

Nước ta xưa, vốn đã là quốc gia của những người nông dân. Từ cuộc sống ,ăn uống, tiêu dùng, sinh hoạt, hội hè của muôn nhà cho đến ngân khố, quân dụng của nhà nước đều trông chờ cả vào mùa màng ruộng đất. Hễ mất mùa đói kém là từ vua quan đến muôn dân đều phải ăn chay cầu đảo mong cho mưa thuận gió hòa để mà dễ bề yên sống.

            Vậy nên khi Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn kêu gọi phải “khoan sức cho dân” thì điều đó có nghĩa rằng phải khoan sức cho người nông dân, giúp họ chăm chỉ làm lụng, thu được nhiều thóc gạo, sống bình yên trong các làng mạc trù phú, đầm ấm, không còn người chết đói, chết bệnh. Chỉ có như vậy chính quyền Nhà nước mới thu được thuế, giữ được yên bình cho thiên hạ.

            Chăm lo cho dân là bổn phận cao cả nhất của người cầm quyền, cái bổn phận mà nhờ đó vua mới được tôn xưng là “ thiên tử”- con trời, Đầu xuân, đã là vua hiền, vua sáng thì phải đi cày ruộng trong hội Tịch Điền để động viên và chí ít cũng là để tỏ lòng cảm thông với người nông dân. Quanh năm, lúc nào cần thiết thì lại phải bí mật vi hành, tức là khăn gói đóng giả thường dân đi thăm viếng làng mạc, thị sát xem dân tình sống chết ra sao, nhờ đó mà có được kế sách hợp lòng dân thuận đạo trời, tức là hợp với thời thế.

            Trong chế độ công điền công thổ ở ta xưa, về căn bản vua là người cai quản ruộng đât chung. Vua không phải là lãnh chúa hay địa chủ như vua của người phương Tây. Vậy nên mới có những ông vua nói rằng mình “nghèo rớt mồng tơi”, phải sai cả cung nữ đan quạt, trồng hành. Chẳng thế mà sử gia Ngô Thì Sỹ trong “ Đại Việt sử ký tiền biên” bảo đất Việt mình là đất mà “vua và dân cùng cày”, “cha và con cùng tắm’, “cấy ruộng lạc điền theo nước triều lên xuống, vua thì hiền lành như Phật, dân thì chăm chỉ như con tằm, Cuộc sống chẳng phải lo gì thuế má nặng nề”...

Dĩ nhiên, đấy là nói về những đời vua sáng, những đời mà “của rơi ngoài đường không ai thèm nhặt”. Nhưng rồi sử ta cũng ghi lại những đời vua mà không quan tâm đến người nông dân khiến ruộng đất bỏ hoang, dân tình đói kém. Họ bị gọi là vua vô đạo, thậm chí có ông còn được mệnh danh là “vua lợn” sống sa đọa, hoang dâm vô sỉ, hay “vua quỷ”, tàn bạo như ma quỷ...Những khi như vậy các ông vua này đều phải trả giá.

Người nông dân, thời kỳ nào cũng vậy, hiền hòa như mặt nước phẳng lặng, nhưng khi bị đè nén thì đều bùng dậy như lũ bão. Thực tế của thế kỷ 18 cho thấy, khi nổi giận, cái đám dân quê cày cuốc hiền lành bỗng trở thành dữ dội, có thể cuốn phăng tất cả mọi áp bức bóc lột, mọi cường quyền, giành lại mảnh đất tổ tiên, miếng cơm manh áo và sự tự do của mình. Đấy chính là bài học mà tất cả những người cầm quyền sáng suốt trong lịch sử nước ta đều đã ghi nhớ và luôn dặn lại con cháu ghi nhớ.

 

Sức bật của chiếc lò so bị kìm nén                                         

Thế kỷ 18 vẫn được các nhà chép sử coi như là thế kỷ của những người nông dân nổi giận. Các cuộc nổi dậy của người nông dân như những trận cuồng phong, khi mạnh , khi nhẹ, lướt qua suốt thế kỷ,  làm chao đảo cuộc sống của muôn nhà.

Cuộc chiến tranh kéo dài triền miên với họ Nguyễn và cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu với họ Mạc thế Kỷ 19 đã khiến đất Việt trở nên hoang tàn. Năm 1729, Uy Nam vương Trịnh Giang lên cầm quyền, chính sự Bắc Hà ngày càng suy tàn. Giang phế bỏ rồi sau đó giết chết vua Lê Duy Phường lập Lê Thuần Tông. Các đại thần nổi tiếng là giỏi, trung thực và có uy tín như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn cùng nhiều người khác đã bị giết hại. Trịnh Giang bỏ bê chuyện triều chính, ăn chơi và tiêu sài xa xỉ.  Thuế má một ngày một nhiều, sưu dịch một ngày một nặng, ruộng đất bị cướp đoạt, mùa màng thất bát, nạn đói kéo dài suốt các vùng quê, khiến nhân dân Đàng Ngoài vô cùng cực khổ. Người nông dân Đàng Ngoài làm lụng vất vả mà chẳng đủ sống. Và họ đã thực sự nổi giận.

Mở đầu cho các cuộc nổi dậy của người nông dân thế kỷ 18 là cuộc khởi nghĩa của nông dân mà lãnh đạo là nhà sư Nguyễn Dương Hưng,  ở vùng Tam Đảo. Năm 1739, nông dân ở vùng Ngân Già cũng nổi dậy chiếm ruộng đất và kho thóc chia cho người nghèo, triều đình gọi là giặc Ngân Già. Cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Vũ Đình Dung, Đoàn Danh Chấn, Tú Cao... diễn ra quyết liệt, không khoan nhượng, đến mức mà sau khi bị tiêu diệt, cả làng bị triệt hạ chẳng còn mấy ai sống sót, nhưng triều đình vẫn còn thù hận, đổi cả tên làng Ngân Già thành Lai Cách , mang ý miệt thị là vùng loạn lạc, xa vắng, chẳng ai thèm bén mảng tới nữa.

Tiếp đến là cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Cừ, (vốn là hậu duệ nhà Mạc đổi tên họ để lẩn trốn triều đình), Nguyễn Tuyển và Vũ Trác Oánh dựng cờ khởi nghĩa ở Hải Dương. Cuộc khởi nghĩa bùng lên như một ngọn lửa dữ dội, kéo theo hàng vạn nông dân, cầm cày cuốc, dao kiếm, gậy gộc tràn qua các làng mạc nghèo đói, cướp phá, vây ráp các thành ấp, chặn đánh quân triều đình. Mặc dù bị đánh dẹp nhưng những thuộc hạ như Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu (Quận He) lại tiếp tục tỏa về khắp các vùng đồng bằng bắc bộ, tập hợp lực lượng, mở rộng địa bàn chiến đấu. Chính hai người đã trở thành hai thủ lĩnh tiêu biểu của các cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ 18. Những cánh quân khởi nghĩa của họ kết hợp với các cuộc khởi nghĩa nông dân khác, đặc biệt của Nguyễn Danh Phương với biệt danh là Quận Hẻo, Lê Duy Mật... đã làm nghiêng ngả triều đình Lê Trịnh.

Phong trào khởi nghĩa nông dân cũng trải rộng khắp các vùng đồng bằng Bắc bộ, đi đến đâu nông dân kéo theo đến đấy, lan rộng vào các miền Thanh, Nghệ, tràn lên cả các vùng miền núi, Sơn la, Điện Biên, Hòa Bình. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất lôi kéo được cả nông dân các dân tộc thiểu số. Ông xây dựng căn cứ ở động Mãnh Thiên (phía bắc Hưng Hóa), vùng Mường Thanh, rồi chiếm giữ cả mấy châu gần đấy. Thủ hạ của ông có hàng vạn người, đi đến đâu cũng được người dân chào đón. Ông đánh tan bọn cướp, chia ruộng cho dân nghèo, lôi kéo theo mình những người cầm đầu ở các châu mường. Bản thân ông rất được lòng dân Mường Thanh, được dân chúng suy tôn làm chúa. Họ còn gọi ông là “Then Chất” , tiếng Thái tỏ ý tôn kính. Nhiều tướng sĩ người dân tộc, dưới quyền ông đã rất nổi danh như: Bun Xao, Cầm Phẳn,.anh em Ngải, Khanh, cha con Cầm Tom, Cầm Phanh.

Các cuộc khởi nghĩa nông dân thế kỷ 18, phần đông lấy tiếng "phù Lê diệt Trịnh" làm cớ, nhưng về bản chất thì đấu tranh đòi quyền lợi, đòi cuộc sống tự do, công bằng, công lý, chống lại bọn cường hào ác bá, chống lại chế độ ruộng đất, chế độ thuế má, lao dịch...đấu tranh để thay đổi cuộc sống. Bởi vậy nó đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của chính người nông dân.
Người nông dân đi theo họ, sống chết cùng với họ. Cướp được thóc gạo của địa chủ, tài sản của bọn tham quan ô lại đem chia cho dân nghèo, lập lại công bằng, công lý cho người dân lao khổ, nên các thủ lĩnh nông dân đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Nguyễn Hữu Cầu, dù xuất thân từ gia đình nông dân nhưng văn võ toàn tài, nhiều mưu, lắm mẹo, rất gần gũi quần chúng, luôn được yêu mến cảm phục. Có những trận đánh, bị vây khốn trùng trùng, vòng này, vòng khác,  thuộc hạ chết cả, mà nhờ sự che chở của người dân, ông vẫn một mình một ngựa phá vây, đào thoát. Rồi cũng chỉ trong mấy ngày, với sự ủng hộ của người dân, ông lại có hàng vạn người đi theo.

Những cuộc nổi dậy của nông dân khi đó rồi cũng tan rã trong những cuộc tắm máu. Quân lính triều đình tham gia đàn áp khởi nghĩa nông dân – họ cũng là những người nông dân - sau này lại nổi dậy, tràn vào kinh thành Thăng Long. Họ đập phá, cướp bóc, trừng trị lũ tham quan ô lại, làm ra hiện tượng mà lịch sử  gọi là “nạn kiêu binh”. Rồi cũng chính những người nông dân, tập hợp dưới ngọn cờ đào của người nông dân áo vải vĩ đại nhất là Quang Trung Nguyễn Huệ, đã làm nên những trang sử oai hùng  của dân tộc cuối thế kỷ 18, lật đỏ triều đình thối nát Lê Trịnh, đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước. Sức mạnh của người nông dân là vậy.

Bài học không được quên

            Bài học “ôn cố tri tân”  từ những cuộc khởi nghĩa của đám người cày cuốc lao khổ chân lấm tay bùn thế kỷ 18 đã khẳng định một chân lý, nói như Đức Hưng Đạo Đại Vương là, hãy “khoan sức cho dân”, hoặc như của Nguyễn Trãi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Yên dân là lẽ căn bản cho một xã hội thái bình.

            Chúng ta đang trên đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nhưng dù văn minh đến đâu thì chúng ta vẫn là một quốc gia có truyền thống nông dân, cuộc sống của dân Việt vẫn gắn với bát cơm, hạt gạo, mớ rau và chút hương vị tương cà... Bước vào xã hội hiện đại, chưa bao giờ người nông dân lại gặp phải nhiều băn khoăn, trăn trở như hiện nay. Họ phải đối diện với rất nhiều thách thức. Đất đai, việc làm, thu nhập, sự thay đổi các giá trị sống trong đó có các giá trị truyền thống, sự tiếp cận các chuẩn mực mới của xã hội hiện đại. Bản thân họ cũng đầy những sự nhạy cảm, đầy những mâu thuẫn, lòng họ quả thực vẫn chưa thể yên được. Đã vậy họ lại vẫn phải đối diện trực tiếp với rất nhiều vấn đề cụ thể gắn với quyền lợi, nghĩa vụ, những thách thức và cả những sai sót trong quản lý xã hội ...Nơi này, nơi kia, đã có những người nông dân nổi giận.



Nông dân đổ gần 3 triệu lít sữa ra cánh đồng trong cuộc biểu tình chống lại tình
trạng giá sữa ngày một giảm sút, đẩy người nông dân vào con đường phá sản
tại Ciney, Bỉ.

 
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế, tất nhiên rồi, đó là quy luật... Nhưng, liệu sẽ còn mấy ai nghĩ đến người nông dân, hiểu người nông dân, gắn mình với những vui buồn hạnh phúc đắng cay của họ, đến mảnh đất ngàn đời thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của bao thế hệ nông dân, đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng vốn là rất bình dị của họ, có bao giờ ta nghĩ đến lúc lòng họ không yên, lường khi họ phải nổi giận. Công nghiệp hóa, lên sao kim, sao hỏa, rồi lên đến nền kinh tế tri thức “nhất sĩ nhì nông”, có bao giờ ta nghĩ đến cái ngày “hết gạo chạy rông” không nhỉ? Bài học về người nông dân thế kỷ 18 thật chẳng thể quên.

Tác giả: Tiểu Linh Bảo

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất