21:51 ICT Thứ ba, 16/04/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 605

Máy chủ tìm kiếm : 202

Khách viếng thăm : 403


Hôm nayHôm nay : 103177

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1722620

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 36231932

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Thời đàm

Quang cao giua trang
top

Vô cảm – nguyên nhân khiến tội ác leo thang

Tác giả: - Thứ ba - 14/07/2015 21:18
Vũ Văn Tiến, nghi can vụ thảm sát được nhà chức trách dẫn đi. Ảnh: Duy Thắng.

Vũ Văn Tiến, nghi can vụ thảm sát được nhà chức trách dẫn đi. Ảnh: Duy Thắng.

Thủ phạm gây ra vụ thảm sát 6 người vô cùng man rợ ở Bình Dương lại là 2 thanh niên mới 24 tuổi, nguyên nhân gây án cũng đơn giản: trả thù tình và vì tiền. GS-TS Đặng Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển đã trò chuyện với nhà báo Diệu Linh về nguyên nhân khiến nhiều thanh niên tàn ác đến lạnh người như vậy.

Nhà báo Diệu Linh : Ông có thể lý giải sâu xa sự biến chất nghiêm trọng đối với những cái ác man rợ, mất hết tính người trong một số vụ án gần đây?
 
GS-TS Đặng Cảnh Khanh: Bên trong mỗi con người đều tồn tại phần con và phần người. Phần con mang tính sinh vật, bản năng, phần người mang tính nhân văn, lý trí, tình cảm…
 Loài vượn chỉ có thể trở thành con người khi nó lao động và sống bên cạnh người khác thành xã hội. Quá trình biến đổi từ con vượn thành con người cũng là quá trình biến đổi từ bầy đàn của vượn thành xã hội của người. Do đó có thể thấy, sống nhân văn, biết yêu thương, có trách nhiệm với tập thể, tôn trọng người khác, tuân theo pháp luật mới khiến con người có những đặc tính của “người”. Bởi thế mà người ta vẫn gọi những kẻ ác độc là thú vật, là “đồ súc sinh”.
Người Việt nam từ lâu đã có truyền thống tôn trọng và yêu thương những người trong cộng đồng theo quan điểm “thương người như thể thương thân”. Tuy nhiên ngày nay, xã hội phát triển theo kinh tế thị trường, con người thường đặt lợi nhuận lên trên, tôn vinh việc làm giàu cho bản thân, đề cao cái tôi giàu có. Nếu cá nhân nào không biết làm giàu sẽ bị yếu thế, bị tụt hậu, bị coi thường. Lối sống đề cao cá nhân, đã khiến con người dễ để cho phần con, phần thú tính lấn át đi phần “người” . Khi đó người ta trở nên độc ác, chỉ biết nghĩ đến bản thân, sẵn sàng gây tội ác chỉ vì những lợi ích nhỏ bé. Tâm lý này ngày càng xâm chiếm cuộc sống của mọi người, mà người bị tác động nhiều nhất lại chính là giới trẻ. Đó là lý do hối thúc không ít người trẻ dùng mọi thủ đoạn để đạt đạt được mục đích (vì tình, vì tiền, vì quyền lực, vì sĩ diện…), bất chấp việc vi phạm pháp luật hay làm tổn thương người khác, kể cả xuống tay sát hại người. Đây là một hiện tượng sai lêch xã hội lớn mà chúng ta vẫn còn chưa chỉnh sửa đến nơi đến chốn.

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc khuyến khích sự phát triển của cái ác, dung dưỡng sự tha hóa đạo đức?

-Đúng là không có bất cứ văn bản pháp luật hay chương trình giáo dục nào lại khuyến khích cái ác. Nhưng cái ác ngày nay đã gắn liền với sự thay đổi của giá trị sống, giá trị đạo đức của xã hội. Sự thay đổi này cứ len lỏi vào đời sống xã hội và trong nhiều trường hợp đã không bị lên án. Nó biến những gì xấu xa, bạc ác trở nên bình thường, thành thói quen trong ứng xử, thậm chí còn là những  “tấm gương”, những bài học sinh động để bắt chước, làm theo. Trường hợp giết người dã man của Lê Văn Luyện chẳng hạn, đã khiến cho không ít những kẻ mu muội, coi Luyện là một thứ “thần tượng”, tự nhận mình là “đàn em Lê Văn Luyện”. Ở đây, chính sự trỗi dậy của phần con khiến không ít thanh niên thích dùng bạo lực để hành xử, giải quyết mâu thuẫn hoặc tranh giành lợi ích.
Chúng tôi đang triển khai một Đề tài cấp Nhà nước về ngăn chặn tội phạm vị thành niên và thanh niên. Phỏng vấn, tìm hiểu hàng trăm người phạm tội mới thấy ở họ một sự thay đổi đến lạnh người. Cách đây 10-15 năm khi phạm tội, kẻ gây tội ác luôn cảm thấy rất ăn năn, hối lỗi, run sợ, lương tâm bị cắn rứt đến ăn không ngon, ngủ không yên. Họ thực sự thấy rằng việc làm tổn thương người khác, vi phạm pháp luật là xấu xa, xâm phạm giá trị sống mà họ cho là đúng.
Nhưng gần đây, rất nhiều kẻ phạm tội lại không như vậy. Họ không cảm thấy hành vi của mình là tội ác, không tự lên án lương tâm mình và dường như hoàn toàn vô cảm với những nạn nhân mà ho gây ra. Đây chính là sự thay đổi giá trị sống ở nhóm trẻ mà chúng tôi cảm thấy rất đáng lo ngại. Sống chụp giật, hưởng thụ, giành giật lợi ích bằng mọi cách, xử lý mâu thuẫn bằng bạo lực để trở thành kẻ mạnh…đang có nguy cơ trở thành một lẽ sống thường tình. Nếu vậy thì hành vi phạm tội trong xã hội sẽ rất khó loại trừ .
 
“Sờ” đến lĩnh vực nào, vấn đề gì chúng ta cũng có tầng tầng lớp lớp các văn bản quy phạm pháp luật. Theo ông, tại sao lại vẫn có ý kiến cho rằng cái ác phát triển là do chúng ta thiếu hàng rào pháp luật nghiêm minh?
 
-Chúng ta không thiếu, thậm chí trong nhiều trường hợp còn đang “bội thực” các Luật và văn bản dưới luật. Quốc hội mỗi năm cũng họp vài ba tháng chỉ đề bàn về luật pháp, sửa đổi, điều chỉnh luật, ra thêm các luật mới hy vọng sẽ thắt chặt kỷ cương hơn.
Tuy nhiên, ngày xưa các nhà “pháp trị” cho rằng việc xây dựng pháp luật phải phù hợp với thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khi đạo đức xã hội suy thoái thì pháp luật phải mạnh, phải thẳng tay, với các chế tài xử phạt nghiêm khắc. Đến khi xã hội yên bình, trình độ dân trí cao, người dân tuân theo pháp luật, giá trị đạo đức được tôn trọng thì chế tài lại có thể “giảm nhiệt”.
Ngày nay, trong khi các giá trị đạo đức nhiều phần bị suy giảm, kỷ cương xã hội trong nhiều trường hợp bị đảo lộn, người dân còn chưa tuân thủ pháp luật, tội phạm gia tăng báo động, tôi không hiểu vì sao người ta lại bàn nhiều đến việc giảm các khung hình phạt, giảm tội. Điều này rõ đang đi ngược với những nguyên tắc của “pháp trị”, khiến người dân cho rằng các tội  ác đã bị “xem nhẹ”. Khi pháp luật nhẹ tay với tội ác thì cái ác sẽ gia tăng và mức độ sẽ ngày càng nghiêm trọnghơn với xã hội. Theo tôi, chúng ta không thể vì nhân đạo với các cá nhân phạm tội và trở thành vô nhân đạo với tập thể đông đảo những người lương thiện.
Có lẽ điều chúng ta cần làm hiện nay là phải thực thi Luật pháp một cách hiệu quả, để luật không chỉ có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa nhân văn cao cả mà còn có ý nghĩa răn đe, ngăn chặn và trừng trị tội ác. Trừng trị nghiêm khắc bằng luật pháp là một trong những cách thức ngăn chặn tội ác hiệu quả nhất. Xưa nay vẫn vậy.
“Pháp trị” ngày xưa cũng dạy rằng, muốn dùng pháp luật để trị nước thì phải làm cho người dân hiểu rõ về pháp luật. Luật phải gọn, rõ, cụ thể và quan trọng nhất là phải được công bố rộng rãi để mọi người hiểu được. Việc xử phạt những người chưa được phổ biến, chưa biết gì về luật bị coi là “vô đạo”. Về phương diện này, tôi có thể khẳng định rằng công tác phổ biến pháp luật của chúng ta còn yếu lắm.
 
Hầu hết cha mẹ các tội phạm đều kinh ngạc khi con mình bị bắt. Cha mẹ ngày nay quá thờ ơ với con hay họ cũng vô cảm, vô trách nhiệm?
 
-Xã hội ngày xưa có sự ràng buộc hết sức chặt chẽ trách nhiệm của gia đình với cộng đồng, giữa cha mẹ và con cái. Gia đình phải chịu trách nhiệm về hành vi của các thành viên trong gia đình.  Con cái phạm tội, cha mẹ cũng bị xử lý. Cộng đồng giám sát gia đình, nhà nước lại giám sát cộng đồng. Mối quan hệ cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia là mối quan hệ chặt chẽ. Nó theo dõi hành vi của cá nhân nhằm đảm bảo sự ổn định chung cho xã hội.
 Ngày nay sự gắn kết cộng đồng đang yếu đi nhiều. Chức năng giáo dục của gia đình không còn được tôn trọng,  trách nhiệm giữa cha mẹ và con cái có khi chỉ còn dừng ở vai trò “nuôi dưỡng”. Cha mẹ bỏ tiền, phó mặc con cho các Osin, “trăm sự nhờ nhà trường”, thả nổi cho đường phố. Chính vì thế, tâm lý, tình cảm, hành vi của con phát triển theo chiều hướng nào cha mẹ cũng không biết. Không biết thì làm sao mà ngăn chặn được tội phạm. Nhiều bậc cha mẹ khi nghe tin con cái phạm tội tày đình vẫn còn bảo rằng con tôi xưa nay nó ngoan lắm cơ mà… Ở Hàn Quốc, khi trẻ hư phải vào trường giáo dưỡng thì cha mẹ hàng tuần cũng phải đi học các kiến thức về con nuôi dạy con. Nếu cha mẹ không được cấp chứng chỉ về cách giáo dục con, tức là họ chưa “tốt nghiệp” thì con họ cũng chưa thể “tốt nghiệp” được. Còn ở Việt Nam khi con phạm tội thì trong nhiều trường hợp cha mẹ vẫn hồn nhiên “vô tội”.   
 
Như vậy, chẳng nhẽ cứ thả nổi cho hành vi phạm tội của giới trẻ, cứ hiển nhiên nhìn tội ác phát triển ngày càng nghiêm trọng hơn?
 
-Ngoài việc luật pháp cần nghiêm minh, người hành pháp phải trung thực, tận tâm thì chúng ta đang thiếu hụt một đôi ngũ các cán bộ làm công tác xã hội, thiếu những chuyên gia xã hội học tội phạm, những bác sĩ tâm lý.
Hầu hết trẻ vị thành niên, thanh niên phạm tội đều có một quá trình bị tổn thương về mặt tinh thần, nhận thức lệch lạc về giá trị sống. Ví dụ như trường hợp Hào Anh (Đầm Rơi, Cà Mau) từng bị chủ hành hạ dã man, gây rung động xã hội từ năm 14 tuổi. Em bị chấn thương rất nặng. Nhưng ở đây, chúng ta đã chỉ lo chạy chữa vết thương về thể xác bên ngoài mà bỏ qua các tổn thương về tinh thần, nhân cách, tâm lý. Khi vết thương tinh thần còn chằng chịt lại ném cho em 1 khoản lớn tiền (tiền từ thiện), chẳng khác nào đưa cho em phương tiện để tha hóa đạo đức, ăn chơi hoang phí, không coi trọng lao động đến khi hết tiền thì lại trở thành trộm cắp. Từ nạn nhân trở thành tội phạm, ranh giới thật mỏng manh. Ở đây noài lỗi của chính Hào Anh thì lỗi của chúng ta cũng là không nhỏ. Nếu không có người trợ giúp để “chữa lành” vết thương tinh thần, tâm lý, vết thương về nhân cách thì những đứa trẻ như Hào Anh sẽ chẳng vươn lên được, sẽ lại tiếp tục phạm tội, với tội ác ngày càng nghiêm trọng hơn.
Muốn diệt trừ cái ác từ trong trứng nước, chúng ta cần xây dựng một mạng lưới cán bộ xã hội để giúp đỡ những thanh thiếu niên bị tổn thương về tâm lý (các đối tượng nguy cơ cao phạm tội) để “chữa trị” các vết thương tinh thần cho họ, tránh để chúng “biến thái” thành bệnh nặng, để phần “con thú” lấn át con người, gây ra những tội ác nghiêm trọng, đầy sự thù hận như đối tượng Nguyễn Hải Dương gây ra trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Dương vừa qua.
 
Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (ghi)
 
 
   
“Đáng sợ là sự vô cảm
Từ vụ án giết 6 người dã man ở Bình Dương có thể thấy có những cái ác “vô tư” đến mức lên kế hoạch giết người dã man mà không chùn tay, không sợ hãi. Phải chăng tội phạm ngu muội đến mức không biết rằng giết người sẽ đền mạng? Chúng rõ cả. Nhưng chúng lại vô cảm đến mức không cho rằng hành vi giết người là đáng sợ, phải chăng vì nó diễn ra thường xuyên quá, đã quen quá trên các phương tiên thông tin, phim ảnh. Bởi vì, chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập các hình ảnh bạo lực, từ phim ảnh, sách báo đến trò chơi điện tử. Tội ác được miêu tả tỉ mỉ, các clip dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn được tung hô, câu view… điều này khiến thanh thiếu niên hiền lành lương thiện bỗng “thức tỉnh” hành vi bạo lực, dạy các em về bạo lực. Cảnh máu me trong phim, trên game khiến nhiều em trơ lì cảm xúc về tội ác. Mặt khác, sự mất công bằng, bất trung, bất tín trong xã hội diễn ra hàng ngày cũng làm các em đánh mất niềm tin vào tình người. Ngoài ra, có thể nhận thấy, đa số tội phạm lớn lên trong gia đình khó khăn về kinh tế, gia đình lục đục, bố mẹ thiếu giáo dục, làm gương cho con cái. Cuộc sống nghèo nàn, buồn tẻ, phân hóa giàu nghèo rõ rệt gây nên sự ức chế, ganh tị, khiến nhiều người muốn có tiền, muốn được hưởng thụ, bất chấp hành vi phạm tội. Tội ác leo thang rất đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn cả, cũng là nguồn gốc của tất cả sự tha hóa đạo đức, chính là sự vô cảm của con người” GS-TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển.

 


 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất