02:02 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 274

Máy chủ tìm kiếm : 26

Khách viếng thăm : 248


Hôm nayHôm nay : 3852

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2835942

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 34172363

Trang nhất » Tin Tức » Truyền thống & Phát triển » Di sản văn hóa

Quang cao giua trang
top

Nhà Cổ Làng Cự Đà Về Đâu

Tác giả: Đặng Văn Diện - Thứ hai - 28/07/2014 11:00
Nhà Cổ Làng Cự Đà Về Đâu

Nhà Cổ Làng Cự Đà Về Đâu

Cự Đà biết đến từ lâu với sản phẩm tương nổi tiếng từ năm 1939, được tiêu thụ trên các địa bàn tỉnh lân cận. Tương được chế biến bằng phương pháp thủ công theo kinh nghiệm của các cụ truyền lại. Vì vậy, sự xuất hiện tương Bần thì tương Cự Đà vẫn giữ được vị thế của mình trên thị trường. Đến năm 2010, tương Cự Đà vinh dự được bình chọn là sản phẩm được người dân thủ đô tiêu dùng yêu thích. Nhưng trong bài viết này, tác giả chỉ đề cập tới những ngôi nhà cổ của làng theo thời gian

     Tôi về Cự Đà ( Thanh oai, Hà nội) trong một ngày đẹp trời. Không còn những hạt mưa xuân lây phây se lạnh. Chỉ còn lại những giọt sương đọng đầy trên lá. Đường liên xã nối liền quốc lộ 21B như dài hơn vì mặt đường ngổn ngang ổ gà, ổ vịt. Có lúc xe nhồm lên, nhồm xuống như con thuyền gặp đợt sóng vỗ. Hai bên đường nhà tầng mọc lên san sát với nhiều kiểu dáng cổ kim lẫn lộn. Tiếng máy kéo, tiếng xe công nông như biến nơi đây thành công trường xây dựng. Anh bạn cùng tôi tâm sự: “ Nơi đây chẳng khác gì đô thị loại 2 ”. Và phải mất thời gian khá lâu tôi mới tìm thấy làng Cự Đà  -  Làng cổ bên dòng sông Nhuệ.

      Có tài liệu ghi rằng: Xưa kia làng Cự Khê có tên cổ là Ngô Khê thôn, là một trong làng Việt cổ của đồng bằng Bắc Bộ. Làng nằm cạnh dòng sông Nhuệ có cấu trúc theo hình xương cá. Đầu làng có một gò cao tên gọi là Đống Già, các nhà khảo cổ cho rằng đó chính là một ngôi mộ gạch khá lớn thời bắc thuộc. Trong làng có nhiều ngôi nhà cổ với niên đại vài trăm năm với lối kiến trúc mang đậm phong cách thời Nguyễn, và kiến trúc Pháp.

DSC03712

 

(nhà cổ theo lối của pháp)

 Ông Nguyễn Văn Bảo có ngôi nhà cổ hai tầng theo kiến trúc Pháp tâm sự: “Tôi hậu sinh chỉ nghe kể lại ngôi nhà này được 120 năm tuổi, đã qua 3 lần tu sửa do bị lún, võng mái, nhà hỏng đến đâu chúng tôi tu sửa đến đó. Ông vừa nói vừa chỉ lên cửa sổ, trần nhà với dấu vết mới còn xót lại. Ô cửa trống ngoài hiên có những ngọn giáo theo ông hiểu: Đây là phong cách nhà quan giờ bị lấp đi chỉ còn lại những mẩu sắt nhỏ.

    Bà Đinh Thị Hồng cho biết thêm: “ Khách du lịch tới thăm rất chú ý nhà cổ. Họ quay phim, chụp ảnh và thấy xót xa khi những ngôi nhà đang dần biến dạng. Nhiều người muốn mua các ông Tiên trên vòm cửa của gia đình nhưng chúng tôi không bán. Bán đi sợ mất giá trị của ngôi nhà”.

     Qua những bước đi vội vàng của ông Bảo chúng tôi cũng kịp quan sát sự thay đổi đáng kể của ngôi nhà. Những lỗ thoáng ngoài hiên đã bị lấp, cửa sổ được thay bằng kiểu dáng mới. Khi được hỏi về nhà cổ hiện nay, bà Đào Thị Lộc (57 tuổi) vừa nói vừa chỉ ngôi nhà cổ 100 năm của mình đang được cơi nới mở rộng. Theo bà: “Nhiều ngôi nhà cổ đã bị phá bỏ, nhiều ngôi nhà khác bị biến dạng do dân số tăng trong khi quỹ đất ở hạn hẹp. Người có tiền phá đi xây nhà hộp, người không có thì cơi nới mở thêm phòng. Dứt lời, bàn tay bà vỗ vỗ thành cầu thang của nhà như tiếc một điều gì nhưng không nói.

DSC03714

( nhà cổ đang bị biến dạng và cơi nới )

Cũng giống với bà Lộc. Cụ Đỗ Thị Thu (79 tuổi) một người quê miền Kinh Bắc về làm dâu Cự Đà bộc bạch: “nhà cổ ở đây chán lắm, dần dần bị mất hết ”. Cụ mời tôi vào nhà uống nước. Nếu như lúc khác tôi có thể tận hưởng hương vị nước chè thơm một cách ngon lành trong cái giá lạnh mùa đông.Tay cụ run run cuốn lại chiếc khăn rồi tâm sự: “ Ngôi nhà này được hơn 100 tuổi, chồng tôi làm cách mạng chống Pháp bị  thương binh nên được chia nhà của địa chủ. Chúng tôi giữ từ đó đến giờ ”. Tôi quan sát thấy nhà của cụ được thiết kế theo kiểu Trung Quốc với hai cột tròn làm bằng lim, 6 cột đá lớn trong nhà với tiết tấu hoa văn cổ kính. Ngôi nhà chia làm 5 gian, 2 gian buồng và 3 gian nhà ngoài chạy sâu theo lối đình chùa. Nhà khá thoáng, sạch sẽ chỉ tiếc rằng lóc nhà bị che lấp bởi trần nhựa. Như hiểu được ý tôi anh Bình, con cụ Thu phì phèo thở trong hơi thuốc và bộc bạch “ Ngôi nhà đang bị xuống cấp không đóng trần mùa mưa rất khổ.”

DSC03706

( nhà cổ theo lối phương đông)

    Trao đổi với phóng viên. Ông Vũ Văn Bằng cán bộ văn hóa Xã Cự Khê cho biết: “Cự Đà có khoảng 370 ngôi nhà trong đó có 60 ngôi nhà cổ. Trong số ấy 10 ngôi nhà được giữ nguyên, 4 ngôi bị phá dỡ hoàn toàn số còn lại bị biến dạng theo thời gian. Cũng theo ông, nhà cổ Cự Đà chưa được công nhận là di sản văn hoá nên chưa có quy chế, chế tài để quản lý. Mặt khác, Cự Đà thuộc huyện Thanh oai nên người dân tự do làm nhà của mình theo ý muốn. Họ không cần xin giấp phép nên rất khó cho các cấp quản lý. Chúng tôi chỉ biết tuyên truyền tới người dân phải biết giữ gìn nhà cổ nhưng xem ra vẫn chưa có hiệu quả.

   Rời Cự Đà với một nỗi buồn vô hạn. Nhìn những ngôi nhà cổ của một vùng đồng bằng Bắc bộ như đang khép lại trước mắt tôi, nhà này nối tiếp nhà nọ. Có nhà len lách quanh co ẩn hiện giữa những ngôi nhà mái bằng, cao vút, thô thiển. Chúng như những chiếc thuyền mong manh quằn quại tìm đường ra biển. Những ngôi nhà cổ đang mất dần trong những gì xô bồ, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại tần tảo, lam lũ. Nếu không có sự can thiệp của các cấp lãnh đạo, cán bộ và người dân thì e rằng nhà cổ Cự Đà sẽ còn lại trong dấu tích thời gian.

Tác giả: Đặng Văn Diện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU CHUNG

Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển (TaDRI) là một tổ chức khoa học công nghệ phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định số 1364/QĐ - LHH của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 11/10/2006 và giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số A-571 do Bộ Khoa học...

Đọc nhiều nhất